Hư hỏng và phương pháp sửa chữa Piston

I. HIỆN TƯỢNG, NGUYÊN NHÂN HƯ HỎNG, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA, SỬA CHỮA PISTON 

1. Hiện tượng, nguyên nhân hư hỏng piston

Trong quá trình làm việc, piston thường có các hiện tượng  hư hỏng sau:
- Đỉnh piston bị cháy rỗ, nứt thủng, do chịu nhiệt độ và áp suất cao của khí cháy, chịu sự ăn mòn của nhiên liệu và khí cháy.
- Bề mặt thân piston bị cạo xước, bị mòn, nứt vỡ. Do ma sát với thành xi lanh, do tạp chất bám vào bề mặt piston.
- Rãnh lắp xéc măng bị mòn, nứt vỡ, do ma sát và va đập với xéc măng hoặc do xéc măng bị gãy.
- Lỗ lắp chốt piston bị mòn, do chịu ma sát và va đập với chốt piston.
- Piston bị bám muội than.

2. Phương pháp kiểm phát hiện hư hỏng piston

a. Kiểm tra vết xước, rạn nứt
Khi piston bị vết xước, rạn nứt có thể kiểm tra bằng mắt thường hoặc dùng kính phóng đại để soi. Ngoài ra có thể dùng thanh kim loại gõ nhẹ xung quanh piston, nếu có tiếng rè chứng tỏ piston bị nứt.
b. Kiểm tra độ mòn
- Dùng pan me đo ngoài để đo đường kính phần đáy thân piston, sau đó so sánh với kích thước tiêu chuẩn. Khi kiểm tra độ mòn mòn cần phải kiểm tra khe hở giữa piston và xilanh, nếu khe hở vượt quá giới hạn cho phép thì công suất của động cơ sẽ giảm, khi làm việc có tiếng gõ không bình thường (gõ xilanh). Khe hở cho phép giữa piston và xilanh không được vượt quá 0,34mm trên một 100mm đường kính xilanh. 
- Cách đo khe hở giữa piston và xilanh như sau: lắp ngược piston (không có xéc măng) vào xilanh, dùng căn lá có chiều dày thích hợp, chiều dài 200mm, rộng 13mm cắm vào giữa piston và xilanh (cắm ở mặt piston không xẻ rãnh vuông góc với lỗ chốt piston), rồi dùng cân lò xo kéo với một lực 2 - 3,5kg, nếu kéo được căn lá ra là đạt yêu cầu, độ chênh lệch về lực kéo giữa các xilanh không được quá 1kg. Nếu cắm căn lá vào lỏng chứng tỏ khe hở quá lớn, piston bị mòn.
Kiểm tra khe hở giữa pit tông và xi lanh

- Dùng thước cặp để kiểm tra kích thước các rãnh xéc măng, sau đó so sánh với kích thước của xéc măng chuẩn để xác định độ mòn.
- Dùng cữ đo hoặc đồng hồ so để đo độ mòn của lỗ chốt piston.

3. Phương pháp sửa chữa piston

Tuỳ theo mức độ và các hư hỏng khác nhau mà chọn các phương pháp sửa chữa khác nhau, phần lớn thường dùng piston mới hoặc tăng kích thước của piston, khi cần thiết thì phải tiến hành sửa chữa bằng các phương pháp sau:
a. Phục hồi piston 
Nếu piston chỉ có vết xước nhỏ nằm trong phạm vi cho phép, và các kích thước khác bình thường thì có thể dùng giấy nhám mịn thấm dầu đánh bóng lại để tiếp tục sử dụng.
Trường hợp xilanh chưa mòn quá giới hạn cho phép mà khe hở giữa piston và xilanh quá lớn, có thể dùng phương pháp mạ và tạo màng bằng môlipđenuđisunphua để tăng kích thước của piston. Hoặc chỉ có một piston nào đó bị hỏng, thì có thể dùng một piston cũ đã tăng kích thước và tiến hành tiện lại cho vừa để sử dụng.
Khi piston có vết nứt không lớn, chưa ảnh hưởng đến sự  làm việc bình thường của nó thì có thể khoan một lỗ nhỏ ở cuối vết nứt để khống chế vết nứt tiếp tục mở rộng và tiếp tục sử dụng, nếu vết lớn thì phải thay piston.
Trường hợp lỗ chốt piston mòn và biến dạng thì dùng dao doa bằng tay, dao chuốt hoặc tiện để mở rộng lỗ chốt theo kích thước sửa chữa và lắp chốt lớn hơn.
b. Thay piston 
Trường hợp xilanh phải mài doa hoặc piston trong xilanh quá lỏng, piston bị nứt vỡ hoặc hư hỏng nặng, rãnh xéc măng bị mòn quá mức, lỗ chốt piston bị mòn quá kích thước sửa chữa lớn nhất thì phải thay piston.
Khi thay pit tông cần căn cứ vào đường kính xi lanh để chọn pit tông. Kích thước tăng lớn của pit tông có 6 mức là 0,25;  0,50,  0,75;  1,00;  1,25; và 1,50mm. Các kích thước tăng lớn đều có ghi rõ trên đỉnh pit tông
Khi thay từng piston tốt nhất dùng loại piston có nhãn hiệu tương tự. Khe hở giữa piston thay mới với thành xilanh phải như các xilanh khác. Độ ô van của piston mới thay so với các piston khác chênh lệch nhau không quá 0,075mm.
Nếu dùng piston cũ thì phải kiểm tra chiều sâu và chiều cao của các rãnh xéc măng xem có phù hợp với các xéc măng mới không, lỗ chốt piston phù hợp không. Trọng lượng piston mới thay phải bằng trọng lượng piston cũ và không được vượt quá trọng lượng cho phép.
Khi thay cả bộ piston, trọng lượng các piston phải bằng nhau, những piston có đường kính lớn hơn 85mm, trọng lương giữa các piston chênh lệch nhau cho phép không vượt quá  15 gam, những piston có đường kính nhỏ hơn 85mm, thì trọng lượng chênh lệch không quá 9 gam. Nếu vượt quá giới hạn cho phép không nhiều, có thể dũa bớt một ít ở mặt đầu trong piston để giảm bớt trọng lượng .
Dùng pan me đo ngoài để đo đường kính piston

No comments:

Powered by Blogger.