Bảo dưỡng sửa chữa hệ thống bôi trơn
I. MỤC ĐÍCH BẢO DƯỠNG HỆ THỐNG BÔI TRƠN
Bảo dưỡng hệ thống bôi trơn nhằm mục đích: đảm bảo lượng dầu bôi trơn đầy đủ và chất lượng dầu đúng yêu cầu, với sự lưu thông dầu được liên tục trong hệ thông bôi trơn.II. NỘI DUNG BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN
Kiểm tra mức dầu trong các te |
1. Kiểm tra mức dầu bằng thước đo dầu trước khi khởi động động cơ và trên đường đi khi xe chạy đường dài, lượng dầu phải đúng mức quy định, nếu cần thì phải đổ thêm dầu.
2. Phải sử dụng dầu đã quy định cho mỗi loại động cơ, dầu phải sạch không có lẫn nước. Trước khi cho dầu hay mỡ vào động cơ phải lau chùi sạch sẽ miệng rót dầu hoặc vú mỡ và phải rót dầu qua lưới lọc.
3. Khi động cơ làm việc phải chú ý kiểm tra áp suất dầu bôi trơn qua đồng hồ, nếu áp suất thấp thì phải điều chỉnh lại bơm dầu.
4. Về mùa đông khi ô tô ngừng hoạt động phải xả hết dầu khỏi các te lúc động cơ đang nóng, còn trước khi khởi động cần hâm nóng dầu tới 900C rồi mới đổ vào các te và kiểm tra xem dầu có bị rò chảy không.
III. NỘI DUNG BẢO DƯỠNG ĐỊNH KỲ
1. Kiểm tra xem xét bên ngoài độ kín của các thiết bị hệ thống bôi trơn và ống dẫn dầu và sự bắt chặt các chi tiết, nếu cần thiết thì khắc phục những hư hỏng.
2. Xả cặn bẩn khỏi bầu lọc dầu: hâm nóng động cơ trước khi xả cặn bẩn, lau chùi bụi bẩn ở vỏ bầu lọc, cặn bẩn xả vào chậu, khi mở nút xả dầu không để dầu văng làm bẩn động cơ.
3. Thay dầu ở các te. Trong điều kiện sử dụng bình thường của ô tô thì thay dầu theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
4. Thay lõi lọc (bầu lọc thấm) hoặc làm sạch bầu lọc ly tâm cùng với việc thay dầu ở các te.
5. Rửa hệ thống bôi trơn: Nếu trong khi xả dầu, thấy hệ thống bôi trơn bị cáu bẩn như dầu đen và có nhiều tạp chất cơ học thì phải rửa hệ thống. Muốn vậy, ta đổ dầu rửa công nghiệp vào các te tới vạch dưới của thước đo dầu, khởi động động cơ và cho chạy chậm 2 - 3 phút, sau đó mở nút xả để tháo hết dầu rửa. Tháo nắp bầu lọc và nút đậy lỗ xả dùng chổi lông rửa sạch bầu lọc. Rau khi rửa xong, nếu cần phải thay lõi lọc mới, sau đó vặn chặt nút xả và đổ dầu mới vào các te qua miệng ống đổ dầu đúng số lượng quy định của nhà chế tạo. Khởi động động cơ, hâm nóng động cơ đến nhiệt độ bình thường rồi tắt máy sau khoảng 3 - 5 phút sau đó kiểm tra mức dầu trong các te.
Đối với một số xe, để xả cặn bẩn khỏi bầu lọc ly tâm, cần phải tháo lưới lọc không khí của bộ phận thông gió các te khỏi miệng ống đổ dầu, vặn tai hồng ra, tháo vỏ ngoài, một tay vặn đai ốc tròn, tay kia giữ vỏ chụp không cho nó quay và nhấc cẩn thận vỏ ra, sau đó tháo lưới lọc, lau sạch cặn bẩn ở vỏ và dùng xăng rửa sạch vỏ và lưới lọc.
Khi lắp lưới lọc và vỏ chụp vào chỗ cũ, chú ý tránh làm hỏng đệm cao su của rô to, dùng tay để vặn đai ốc (không vặn qúa chặt) vỏ chụp và hướng cho vỏ đúng vị trí, không bị lệch, sau đó lắp vỏ ngoài và vặn chặt tai hồng. Lắp bầu lọc, bộ phận thông gió các te vào chỗ cũ, khởi động động cơ, kiểm tra xem dầu có rò chảy không. Sau khi khử cặn bẩn và thay dầu không cho động cơ làm việc ngay với tốc độ lớn. Tăng dần tốc độ quay của trục khuỷu để kiểm tra sự hoạt động của bầu lọc ly tâm, sau đó tắt máy trong vòng 2 - 3 phút sẽ nghe tiếng kêu của rô to đang quay là được. Nếu phát hiện thấy bầu lọc làm việc không tốt thì phải tháo bầu lọc ra rửa sạch các gíclơ và ống lót.
6. Làm sạch đường dầu bôi trơn của động cơ.
Đường dầu trong trục khuỷu có thể dùng sợi vải sạch quấn vào dây thép rồi thấm dầu hoả để rửa sạch, sau đó dùng không khí nén để thổi sạch, chú ý không để sót sợi vải và cặn bẩn trong đường dầu.
Các lỗ dầu ở gối đỡ thanh truyền và ở bạc lót chốt pit tông cần rửa sạch bằng dầu hoả, rồi thổi sạch bằng khí nén.
Các đường dầu ở thân máy, cần tháo nút, dùng chổi lông tròn nhúng dầu hoả cho vào trong đường dầu chính để cọ, dùng sợi vải quấn vào đầu dây thép để thông sạch các đường dầu nhỏ trên các tấm chắn. Các ống phun dầu bánh răng cơ cấu phân phối khí cũng được làm sạch bằng dầu hoả và thổi sạch bằng khí nén.
Sau khi toàn bộ đường dầu đã được thông sạch, lắp chặt các nút ở đường dầu, chú ý không được có hiện tượng rò dầu ở các đầu nối đường ống dẫn dầu.
IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH BẢO DƯỠNG SỬA CHỮA HỆ THỐNG BÔI TRƠN
Thực hiện các nội dung quy định về công tác bảo dưỡng hệ thống bôi trơn trên động cơ.
1. Tháo hệ thống bôi trơn
2. Kiểm tra các chi tiết
3. Sửa chữa, thay thế các chi tiết hư hỏng
4. Lắp hệ thống bôi trơn
5. Kiểm tra, điều chỉnh hệ thống bôi trơn
6. Phán đoán và xử lý những hư hỏng thông thường của hệ thống bôi trơn
Những hư hỏng thông thường của hệ thống bôi trơn là dầu bôi trơn ít quá hoặc nhiều quá, dầu bị loãng, bẩn và bị rò, áp suất không đủ. Cụ thể về hiện tượng và nguyên nhân và phương pháp khắc phục như sau:
a. Dầu không đủ, mức dầu thấp
Nguyên nhân của hiện tượng này là do rót thêm dầu không đủ, bị rò dầu hoặc động cơ làm việc có dầu bôi trơn từ các te sục lên buồng cháy do khe hở giữa xéc măng và xi lanh lớn. Nếu xẩy ra trường hợp này, trước hết phải kiểm tra xem có chỗ nào bị rò không, kiểm tra bugi có đóng muội than nhiều không. Nếu không có hiện tượng trên thì do dầu bôi trơn không đủ. Cần bổ sung thêm dầu bôi trơn vào các te đến mức quy định và sửa chữa những chỗ rò dầu.
Nếu dầu bôI trơn sục lên buồng cháy nhưng không nghiêm trọng thì động cơ có thể tiếp tục hoạt động được. Nếu dầu sục lên buồng cháy nhiều thì phải thay xéc măng.
b. Dầu quá nhiều, mức dầu quá cao
Nếu dầu trong các te quá nhiều, khi động cơ hoạt động trong động cốc tiếng dầu tung toé tương đối lớn. Động cơ quay yếu, ống giảm thanh xả ra khói khói màu xam xám. Nguyên nhan do dầu trong các te quá nhiều hoặc màng bơm xăng bị rách, xăng chảy xuống các te.
Cách phán đoán: Rút thươc thăm dầu bôi trơn ra để kiểm tra xem trên thước có giọt nước hay không và trong dầu có mùi xăng không, khi cần thiết thì tháo một phần dầu dưới các te ra xem có nước động hay không.
Phương pháp xử lý: Nếu do dầu quá nhiều thì xả bớt dầu ra. Nếu có nước lẫn hoặc xăng trong dầu thì phải xác định được chỗ rò để sửa chữa, sau đó thay dầu mới đúng chủng loại do nhà chế tạo quy định.
c. Dầu quá loãng
Dầu bị loãng nguyên nhân do sử dụng dầu bôi trơn không phù hợp với thời tiết, ví dụ mùa hè dùng dầu mùa động. Màng bơm xăng bị rách, đai ốc thanh kéo màng bơm bị lỏng, xăng chảy xuống các te. Cần dùng thước để kiểm tra mức dầu. Dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái thấm một ít dầu để kiểm tra độ nhớt, nếu dầu còn tốt thì thì khi tách hai ngón tay ra, giữa hai ngón tay phải có những sợi dầu dài 2 – 3 mm, nếu không quá loãng, đồng thời kiểm tra trong dầu bôi trơn có mùi xăng không.
Cách xử lý: Thay dầu bôi trơn mới theo đúng loại phụ hợp với mùa hoặc sửa chữa những chỗ bị rò của bơm xăng.
d. Dầu bôi trơn bị bẩn, dầu có màu đen, trong dầu có mạt kim loại
Dầu bị bẩn do một số nguyên nhân sau: Dùng dầu không sạch hoặc nắp đậy ống dầu không kín làm cho cát bụi rơi vào các te, dẫn đến các chi tiết máy bị mài mòn rơi mạt kim loại xuống các te. Bụi và hơi nước lọt xuống các te qua hệ thống thông gió các te rồi đóng thành cặn, sản phẩm cháy có mang muội than và các tạp chất khác qua khe hở giữa xéc măng và xi lanh lọt xuống các te hoặc dầu trong các te bị ôxy hoá tạo thành tạp chất. Ngoài ra, một số phụ gia cho thêm vào dầu bôi trơn có thể làm cho dầu đổi màu.
Trong trường hợp này, cần rút thước thăm dầu để xem dầu dính vào thước dầu để xác định dầu có bị đen không, đồng thời dùng ngón tay để vê dầu xem có mạt kim loại không. Nếu không có mạt kim loại và những tạp chất khác mà dầu bị đen thì vẫn có thể dùng được.
Phương pháp xử lý: Rửa sạch hệ thống bôi trơn và thay dầu bôi trơn mới.
e. Ở dưới động cơ có vết dầu
Nguyên nhân hiện tượng này là do bulông xả cặn dưới đáy các te hoặc bulông đầu nối ống dẫn bị lỏng, ống dầu bị nứt hoặc tấm đệm lót bị rách, phớt dầu bị hỏng (sử dụng quá lâu hoặc lắp không đúng).
Cách kiểm tra: Lau sạch vết dầu rồi cho động cơ hoạt động, quan sát để kiểm tra xem dầu bôI trơn bị rò chỗ nào. Nếu rò ở chỗ phớt dầu phía trước hoặc phía sau động cơ thì phớt dầu bị hỏng. Nếu dầu bị rò xung quanh các te là do đệm lót các te bị hỏng. Nếu rò ở ở mặt lắp ghép giữa bơm xăng với thân máy thì do tấm đệm lót bị hỏng hoặc bu lông bị lỏng. Nếu rò ở chỗ đầu nối ống dầu là do đầu nối bị lỏng hoặc do miệng côn đầu nối bị hỏng.
Phương pháp xử lý: Nếu phớt dầu hoặc đệm lót bị hỏng thì phải tháo ra và thay mới. Nếu bu lông hoặc đầu nối ống dầu bị lỏng thì xiết chặt lại, nếu ống dầu bị nứt hoặc miệng côn bị hỏng thì sửa chữa hoặc thay mới.
f. Bánh răng bơm dầu bị kêu
Nguyên nhân: Dầu bị bẩn, có nhiều mạt kim loại trong dầu làm cho bánh răng bị mòn hoặc do bơm dùng qúa lâu.
Cách kiểm tra sửa chữa: Khi động cơ ở nhiệt độ bình thường, kiểm tra áp suất dầu ở đồng hồ áp suất, dùng ống nghe đặt bên bơm dầu hoặc chỗ gần đó, đồng thời tăng tốc độ của động cơ, lắng nghe có tiếng kêu đặc biệt hay không (tiếng kêu đều đều là bình thường), nếu có tiếng kêu khác thường thì phải tháo bơm dầu để kiểm tra sửa chữa.
g. Nhiệt độ dầu quá cao
Nhiệt độ dầu vượt quá giá trị cho phép, do khe hở giữa xéc măng và xi lanh quá lớn, làm cho khí cháy lọt xuống các te làm tăng nhiệt độ của dầu, làm loãng dầu và làm cho dầu biến chất nhanh chóng. Mặt khác, do két làm mát dầu bị bẩn hiệu quả làm mát dầu thấp cần phải kiểm tra để xử lý kịp thời.
h. Áp suất dầu giảm
Nguyên nhân: Do dầu ở đường dầu chính bị rò, bơm dầu và các cổ trục bị mòn, mức dầu ở các tư thấp, độ nhớt của dầu không đúng tiêu chuẩn, van giảm áp bị kẹt ở vị trí mở, dầu bị rò ở các chỗ nối hoặc chảy qua các vết nứt ở ống dẫn dầu.
Phương pháp xử lý: Xiết chặt các chỗ nối và nút xả dầu, ống dẫn dầu bị nứt thì phải thay ống khác, các hư hỏng của bơm dầu, van giảm áp và các ổ trục do bị mòn thì phải sửa chữa. Mức dầu ở các te bị giảm có thể do dầu bị đốt cháy, rò chảy qua phớt chắn dầu ở đầu trục khuỷu hoặc do phớt chắn dầu hỏng. Nếu dầu bôi trơn bị bẩn hoặc dùng dầu không đảm bảo độ nhớt thì phải thay dầu mới đúng tiêu chuẩn.
i. Áp suất dầu tăng
Nguyên nhân do: Các ống dẫn dầu bị tắc, dùng dầu có độ nhớt cao quá, van giảm áp bị kẹt ở vị trí đóng.
Phương pháp xử lý: ống dẫn bị tắc thì dùng dây thép thông sạch (tháo động cơ), rửa sạch bằng dầu hoả và thổi sạch bằng khí nén. Để kiểm tra xem đồng hồ áp suất báo có chính xác không, ta vặn ống nối của áp kế kiểm tra vào một đường ống xả của đường dẫn dầu chính rồi cho động cơ hoạt động và so sánh giá trị ở đồng hồ áp suất, nếu không có sự thay đổi thì do đồng hồ áp suát bị hỏng, cần sửa chữa hoặc thay thế.
No comments: