Hệ thống nhiên liệu động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí
I. NHIỆM VỤ, YÊU CẦU VÀ PHÂN LOẠI HỆ THỐNG CUNG CẤP NHIỆN LIỆU
1. Nhiệm vụ- Hệ thống nhiên liệu làm nhiệm vụ cung cấp hoà khí (hỗn hợp xăng và không khí) sạch, đồng đều về số lượng và thành phần vào các xilanh động cơ theo yêu cầu về tốc độ và tải của động cơ. Hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tiếng ồn ở mức độ thấp nhất.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo công suất động cơ.
- Tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình động cơ hoạt động.
- Hạn chế ô nhiểm môi trường và tiếng ồn khi động cơ hoạt động.
3. Phân loại
Hệ thống nhiên liệu động cơ xăng trên ô tô được chia thành hai loại:
- Hệ thống nhiên liệu động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí.
- Hệ thống nhiên liệu động cơ xăng dùng vòi phun xăng.
Hệ thống nhiên liệu động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí trên ô tô thùng nhiên liệu đặt thấp hơn bộ chế hoà khí nên phải dùng bơm xăng hút xăng từ thùng chứa, qua bình lọc rồi đẩy xăng lên buồng phao của bộ chế hoà khí.
II. SƠ ĐỒ CẤU TẠO VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG NHIÊN LIỆU ĐỘNG CƠ XĂNG DÙNG BỘ CHẾ HÒA KHÍ
1. Cấu tạo. Hệ thống nhiên liệu của động cơ xăng gồm có các bộ phận sau: bầu lọc không khí, thùng chứa xăng, các bầu lọc xăng, bơm xăng, đường ống dẫn xăng, bộ chế hoà khí, ống hút, ống xả và bình tiêu âm (hình 1-1)Sơ đồ cấu tạo hệ thống nhiên liệu của động cơ xe Zil 130 |
2. Nguyên lý hoạt động
Khi động cơ làm việc, bơm xăng hút xăng từ thùng chứa, qua ống dẫn xăng và bầu lọc đi lên bộ chế hòa khí. Trong kỳ nạp của động cơ không khí từ ngoài trời đi vào bình lọc không khí rồi qua bộ chế hòa khí trộn hòa với xăng tạo thành hoà khí, sau đó hoà khí đi theo ống hút, qua xu páp nạp vào trong xy lanh động cơ. Sản phẩm cháy sau khi giãn nở sinh công trong xy lanh được xả ra ngoài qua ống xả và ống giảm thanh.
Sơ đồ nguyên lý hệ thống nhiên liệu Yaz-469 |
III. NỘI DUNG BẢO DƯỠNG HỆ THỐNG NHIÊN LIỆU XĂNG
1. Làm sạch bên ngoài các bộ phận của hệ thống nhiên liệu xăng.
2. Tháo các bộ phận ra khỏi động cơ
3. Làm sạch các bộ phận và kiểm tra bên ngoài
4. Lắp các bộ phận lên động cơ.
IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Thực hiện các nội dung quy định về công tác bảo dưỡng hệ thống nhiên liệu xăng.
1. Làm sạch bên ngoài các bộ phận của hệ thống nhiên liệu xăng;
2. Tháo các bộ phận ra khỏi động cơ;
3. Làm sạch các bộ phận và kiểm tra bên ngoài;
4. Lắp các bộ phận của hệ thống nhiên liệu xăng lên động cơ.
A. BẢO DƯỠNG BÊN NGOÀI CÁC BỘ PHẬN CỦA HỆ THỐNG NHIÊN LIỆU
1. Quy trình tháo các bộ phận ra khỏi động cơ
- Làm sạch bên ngoài các bộ phận trong hệ thống nhiên liệu xăng;
- Dùng bơm nước có áp suất cao rửa sạch bên ngoài các bộ phận, dùng khí nén thổi sạch cặn bẩn và nước;
a) Tháo thùng xăng.
- Xả hết xăng trong thùng chứa nhiên liệu. Dùng can đựng xăng, để đúng nơi quy định;
- Tháo các đường ống dẫn xăng;
- Tháo thùng xăng. Chú ý đỡ cẩn thận không để rơi thùng xăng gây tai nạn.
b) Tháo bình lọc xăng
- Tháo các đường dẫn nhiên liệu từ thùng xăng đến bầu lọc, từ bầu lọc đến bơm xăng;
- Tháo bình lọc xăng.
c) Tháo bơm xăng.
- Tháo các đường ống dẫn xăng;
- Tháo bu lông bắt giữ bơm xăng với thân máy, nới đều hai bu lông (quay cam lệch tâm về vị trí thấp để tháo);
- Tháo bơm xăng ra khỏi động cơ.
d) Tháo bộ chế hòa khí.
- Tháo ống thông gió hộp trục khuỷu;
- Tháo bầu lọc không khí. Tháo đường ống dẫn xăng nối từ bơm xăng đến bộ chế hòa khí;
-Tháo các bu lông bắt chặt bộ chế hòa khí với ống nạp.
e) Tháo cụm ống xả và ống giảm thanh.
- Tháo các bu lông bắt giữ ống xả và ống giảm thanh, tháo cả cụm ra ngoài;
- Tháo ống góp khí xả và đệm kín. Chú ý nới đều các bu lông, không làm hỏng đệm kín.
2. Làm sạch, nhận dạng và kiểm tra bên ngoài các bộ phận.
a) Làm sạch, nhận dạng và kiểm tra bên ngoài thùng xăng.
- Làm sạch bên ngoài thùng xăng dùng nước có áp suất cao để rửa;
- Kiểm tra thùng xăng bị nứt, thủng, móp méo;
- Rửa sạch nắp đậy thùng xăng, dùng dầu hỏa để rửa, dùng khí nén thổi khô.
b) Làm sạch, kiểm tra bên ngoài bình lọc xăng
- Kiểm tra đệm làm kín không bị hở, ren đầu nối ống dẫn và ren ốc bắt giữ cốc lọc không bị chờn;
- Dùng tay vặn vừa chặt ốc bắt giữ cốc lọc xăng;
- Kiểm tra bên ngoài bầu lọc bị nứt, hở phải khắc phục hư hỏng.
c) Làm sạch, nhận dạng và kiểm tra bên ngoài bơm xăng
- Dùng dầu hỏa rửa sạch bên ngoài bơm xăng, dùng giẻ lau khô;
- Kiểm tra bên ngoài bơm xăng: Kiểm tra nắp, vỏ bơm bị nứt, hở;
- Kiểm tra xiết chặt lại các vít: Bắt chặt phần nắp với phần thân, phần thân với đế của bơm xăng. (xiết đều, đối xứng các vít).
d) Làm sạch, kiểm tra bên ngoài bầu lọc không khí.
- Dùng nước có áp suất cao để rửa sạch bên ngoài bầu lọc không khí.
- Kiểm tra bên ngoài bầu lọc: kiểm tra bầu lọc bị móp méo, hở phải khắc phục.
- Kiểm tra xiết chặt lại ốc tai hồng bắt chặt nắp và thân bầu lọc không khí.
- Vặn chặt đai kẹp các đầu ống nối tránh bị hở.
e) Làm sạch bên ngoài bộ chế hòa khí.
- Dùng dầu hỏa rửa sạch bên ngoài bộ chế hòa khí
- Kiểm tra bên ngoài bộ chế hòa khí: Kiểm tra các phần lắp ghép của bộ chế hòa khí phần nắp và phần thân, phần thân với đế nứt, hở phải khắc phục.
- Kiểm tra xiết chặt lại các vít bắt chặt phần nắp với phần thân, phần thân với phần đế của bộ chế hòa khí (chú ý xiết đều đối xứng các vít).
- Kiểm tra sự chờn, hỏng ren của đầu nối ống để tránh rò rỉ xăng.
- Kiểm tra đệm làm kín giữa bộ chế hòa khí và ống nạp nếu bị rách hỏng phải thay mới.
g) Làm sạch bên ngoài cụm ống xả và bình tiêu âm.
- Làm sạch muội than, bụi bẩn bám trong ống xả và ống tiêu âm.
- Kiểm tra bên ngoài ống tiêu âm bị nứt thủng móp méo phải sửa chữa.
- Kiểm tra đệm làm kín của ống xả nếu hỏng phải thay.
3. Lắp các bộ phận lên động cơ
Các bộ phận của hệ thống nhiên liệu sau khi đã làm sạch kiểm tra bên ngoài, tiến hành lắp lên động cơ.
a) Lắp thùng xăng lên ôtô.
- Xiết chặt các bu lông bắt chặt thùng xăng.
- Bắt chặt các đường ống dẫn xăng vào thùng.
b) Lắp bình lọc xăng.
- Lắp bình lọc lên động cơ, xiết chặt bu lông.
- Nối đường ống dẫn xăng từ thùng đến bình lọc.
c) Lắp bơm xăng vào động cơ.
- xiết chặt hai bu lông bắt chặt bơm xăng với thân máy (chú ý lắp đệm giữa đế bơm với thân máy đúng chiều dày quy định).
- Lắp đường ống dẫn xăng từ bình lọc đến bơm và từ bơm lên bộ chế hòa khí.
d) Lắp bộ chế hòa khí lên động cơ.
- Lắp đệm làm kín và bộ chế hòa khí lên ống nạp xiết chặt các đai ốc.
- Lắp bình lọc không khí lên bộ chế hòa khí xiết chặt đai ốc tai hồng và bắt các đường ống dẫn.
- Lắp và xiết chặt đường ống dẫn xăng từ bơm xăng đến bộ chế hòa khí (dùng tay vặn vào khớp ren, sau đó mới dùng cờ lê dẹt xiết chặt để tránh chờn, hỏng ren).
e) Lắp cụm ống xả, ống tiêu âm
- Lắp đệm và ống góp khí xả. Xiết chặt các đai ốc đều, đối xứng.
- Lắp ống xả, bắt chặt ống xả với ống góp khí xả, lắp bình tiêu âm vào ống xả.
- Đổ xăng vào thùng, dùng tay bơm xăng lên bộ chế hòa khí, kiểm tra xiết chặt lại toàn bộ hệ thống, tránh để rò rỉ xăng.
B. BẢO DƯỠNG HỆ THỐNG NHIÊN LIỆU XĂNG
1. Bảo dưỡng hàng ngày:
Kiểm tra mức xăng trong thùng chứa, đổ thêm xăng vào thùng. Kiểm tra xem xét bên ngoài độ kín các chỗ nối của bộ chế hoà khí, bơm xăng, các ống dẫn và thùng xăng.
2. Bảo dưỡng định kỳ cấp I:
Kiểm tra xem xét bên ngoài độ kín khít các chỗ nối của hệ thống nhiên liệu, nếu có hư hỏng phải khắc phục. Kiểm tra sự liên kết giữa cần bàn đạp với trục bướm ga, của dây cáp với cần bướm gió, sự hoạt động của cơ cấu độ mở và đóng hoàn toàn của bướm ga và bướm gió. Kiểm tra bàn đạp của cơ cấu dẫn động ga phải dịch chuyển đều và nhẹ nhàng về cả hai phía.
Nếu ô tô hoạt động trên đường nhiều bụi phải tháo rời bầu lọc không khí và thay dầu ở bầu lọc.
3. Bảo dưỡng định kỳ cấp II:
Kiểm tra độ kín của thùng xăng và chỗ nối của ống dẫn hệ thống nhiên liệu, bắt chặt bộ chế hoà khí, bơm xăng nếu cần thiết thì khắc phục hư hỏng. Kiểm tra sự liên kết của cần kéo với cần bướm ga và của dây cáp với bướm gió, sự hoạt động của cơ cấu dẫn động, độ mở và đóng hoàn toàn của bướm ga và bướm gió. Dùng áp kế kiểm tra sự làm việc của bơm xăng (không cần tháo bơm xăng khỏi động cơ). Kiểm tra mức xăng trong buồng phao của bộ chế hoà khí. Rửa bầu lọc không khí và thay dầu ở bầu lọc
4. Bảo dưỡng theo mùa
Trong một năm hai lần tháo bộ chế hoà khí ra khỏi động cơ rửa sạch kiểm tra các cụm và các chi tiết của bộ chế hoà khí, kiểm tra jích lơ bằng thiết bị chuyên dùng.
Tháo rời bơm xăng, lau chùi kiểm tra tình trạng các chi tiết, sau khi lắp xong kiểm tra bằng thiết bị chuyên dùng. Mỗi năm hai lần xả cặn bẩn ra khỏi thùng xăng và cọ rửa thùng xăng trước khi cho xe hoạt động vào mùa đông.
Khi kiểm tra bơm xăng cần căn cứ vào áp suất tối đa do bơm tạo nên, năng suất của bơm, độ kín khít của các van, thông số đó được kiểm tra trên thiết bị chuyên dùng.
Kiểm tra bộ chế hoà khí, kiểm tra độ kín của van kim, bề mặt lắp ghép, mức xăng trong buồng phao. Nếu mức xăng trong buồng phao cao quá mức quy định do van kim bị hở cần phải sửa chữa và điều chỉnh lại.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ kiến thức.
ReplyDeleteNếu các bạn thợ/ kỹ sư cơ khí muốn tìm việc làm, các bạn có thể ghé qua website tuyển dụng và việc làm kỹ thuật: Goviec.com : tuyển dụng kỹ sư