Cấu tạo nguyên lý và sửa chữa bơm xăng bằng điện (kiểu màng bơm)

I. NHIỆM VỤ, YÊU CẦU VÀ PHÂN LOẠI BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN

1. Nhiệm vụ 
- Bơm xăng có nhiệm vụ hút xăng từ thùng chứa đưa đến buồng phao của bộ chế hòa khí.
2. Yêu cầu 
- Cấu tạo đơn giản, ít hư hỏng, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế, lắp đặt thuận tiện;
- Năng suất bơm cao.
3. Phân loại 
- Bơm xăng bằng điện có nhiều loại, bơm xăng bằng điện kiểu màng bơm, kiểu píston, kiểu rô to

II. CẤU TẠO VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN KIỂU MÀNG

Bơm xăng bằng điện kiểu màng
Bơm xăng bằng điện kiểu màng 

1. Cấu tạo

Bơm xăng dẫn động bằng điện hoạt động nhờ nguồn điện của ắc quy. Cấu tạo của bơm có các phần chính tiếp điểm, cuộn dây, nam châm điện, màng bơm nối với tiếp điểm nhờ cần kéo. Dòng điện từ ắc quy đưa vào cuộn dây bơm (hình 3-1)

2- Nguyên lý hoạt động

 Khi bơm không làm việc, lò xo  đẩy màng bơm trũng xuống, cần kéo sẽ kéo tiếp điểm  đóng mạch, dòng điện từ ắc quy qua tiếp điểm vào cuộn dây ra mát, cuộn dây phát sinh từ trường hút miếng thép, kéo màng bơm đi lên, xăng được hút từ thùng chứa qua ống dẫn vào buồng  bơm.
Khi miếng thép và màng bơm được hút lên, cần tiếp điểm sẽ đẩy tiếp điểm mở cắt mạch điện cuộn dây mất sức hút, lò xo đẩy màng đi xuống lúc này van thoát mở ra ép xăng qua ống thoát, lên bộ chế hoà khí.
 Trong trường hợp buồng phao của bộ chế hoà khí đã đầy xăng van kim đóng kín, áp suất nhiên liệu trong buồng bơm lớn đẩy màng bơm cong lên làm nhả cặp tiếp điểm ngắt dòng điện đi vào cuộn dây, bơm ngừng hoạt động.
 Bơm xăng dẫn động bằng điện có ưu điểm là ở bất kỳ tốc độ nào của động cơ vẫn có một lưu lượng xăng tối đa, ở bộ chế hoà khí luôn được cấp một lượng xăng với một áp suất không đổi, có thể lắp bơm ở bất kỳ vị trí nào thuận tiện nhất.

III. NỘI DUNG BẢO DƯỠNG BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN KIỂU MÀNG

- Làm sạch bên ngoài bơm.
- Tháo rời bơm và làm sạch các chi tiết tiếp điểm, cuộn dây, màng bơm, lò xo, các van và vỏ bơm. 
- Làm sạch tiếp điểm, các đầu dây và thay màng bơm mới đúng loại. 
- Kiểm tra các chi tiết của bơm.
- Lắp các chi tiết của bơm sau khi đã thay thế, sửa chữa theo thứ tự ngược với khi tháo.

IV. THÁO, LẮP BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN KIỂU MÀNG

 A. QUY TRÌNH THÁO BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN
1. Làm sạch bên ngoài bơm.
 - Dùng xăng và dẻ lau rửa sạch bơm và lau khô
2. Tháo các dây dẫn điện và cọc nối dây. Chú ý không làm đứt, hở các đầu dây, hỏng đệm cách điện.
3. Tháo nắp bơm, dùng tuốc nơ vít nới đều đối xứng các vít bắt giữ nắp bơm với vỏ bơm. Cẩn thận không làm rách màng bơm.
4. Tháo cụm màng bơm, lò xo, thanh đẩy, cặp má vít ra khỏi thân bơm. 
5. Tháo rời cụm màng bơm, chú ý không làm rách màng bơm
6. Tháo các van hút, van đẩy ra khỏi nắp bơm, tránh không làm hư hỏng các chi tiết của van
7. Rửa sạch các chi tiết để đúng nơi quy định.
 - Dùng xăng sạch, khay đựng, giẻ lau
B) QUY TRÌNH LẮP
Ngược với quy trình tháo (sau khi đã bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các chi tiết hư hỏng của bơm).
    - Lắp đúng yêu cầu kỹ thuật không lắp ngược chiều van hút, van đẩy.
    - Lắp nắp bơm đúng vị trí.
    - Lắp đầy đủ đệm cách điện ở cọc nối dây và nối dây dẫn điện.
    - Vặn chặt các vít cố định nắp bơm với vỏ bơm (vặn đều và đối xứng)
    - Tránh làm chờn hỏng ren các vít khi lắp.

V. HIỆN TƯỢNG, NGUYÊN NHÂN HƯ HỎNG CỦA BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN 

  1. Hiện tượng và nguyên nhân hư hỏng
Hiện tượng:
- Bơm không hoạt động;
- Bơm hoạt động lưu lượng bơm giảm hoặc không bơm được xăng. 
Nguyên nhân: 
- Cuộn dây bị đứt, chạm, chập, bơm không hoạt động.
- Màng bơm bị chùng làm thay đổi không gian trong buồng bơm.
- Các chi tiết của bơm bị hở. Các van hút, van xả hở, làm cho nhiên liệu trong bơm ở hành trình đẩy trở ngược về đường hút. Khi van xả hở làm cho xăng từ đường đẩy trở về lại không gian bơm làm giảm lượng xăng hút vào bơm. Mặt phẳng lắp  ghép giữa nắp và thân bị hở không khí lọt vào không gian bơm.
- Màng bơm bị thủng không bơm được xăng. Lò xo màng bơm giảm độ đàn hồi làm cho áp suất nhiên liệu trên đường xăng thoát ra giảm.
- Cặp má vít bẩn mòn tiếp xúc không tốt hành trình hút của màng bơm giảm nhiên liệu nạp vào bơm giảm, lưu lượng bơm giảm. 

VI. SỬA CHỮA BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN

 A. THÁO BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN
1. Làm sạch bên ngoài bơm.
2. Tháo các đường ống dẫn xăng từ thùng xăng đến bơm và từ bơm lên bộ chế hòa khí.
3. Làm sạch và tháo rời bơm xăng bằng điện 
- Bàn tháo lắp, khay đựng chi tiết và xăng để rửa chi tiết.
- Tháo rời bơm xăng bằng điện (theo đúng quy trình)
4. Rửa sạch các chi tiết của bơm, kiểm tra sửa chữa các chi tiết.
B. SỬA CHỮA BƠM XĂNG BẰNG ĐIỆN
1. Tiếp điểm 
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng của cặp tiếp điểm bị mòn bề mặt tiếp xúc, nứt, vỡ.
- Kiểm tra bằng phương pháp quan sát bề mặt tiếp xúc của cặp tiếp điểm, quan sát vết nứt, vỡ. Nếu bề mặt tiếp xúc cặp tiếp điểm không tốt, tiếp điểm bị nứt, vỡ, dòng điện ắc quy vào cuộn dây nhỏ lưu lượng bơm giảm. 
b) Sửa chữa: 
- Bề mặt tiếp xúc của cặp tiếp điểm không tốt dùng giấy nhám mịn đánh phẳng.
- Tiếp điểm bị mòn quá 1/2 chiều cao hoặc bị nứt, vỡ thì thay cặp tiếp điểm mới.
2. Cuộn dây
a) Hư hỏng và kiểm tra
-  Cuộn dây bị đứt, chạm, chập.
- Kiểm tra cuộn dây bị đứt, dùng đồng hồ ôm kế đo điện trở của cuộn dây. Cho hai đầu đo của đồng hồ ôm kế tiếp xúc với hai đầu cuộn dây. Nếu trị số báo trên đồng hồ đo lớn vô cùng chứng tỏ cuộn dây bị đứt. Còn trị số báo trên đồng hồ đúng tiêu chuẩn cuộn dây tốt (không bị đứt).
- Kiểm tra cuộn dây bị chập tương tự như kiểm tra cuộn dây bị đứt. Nếu trị số điện trở của cuộn dây báo trên đồng hồ ôm kế nhỏ hơn so với điện trở tiêu chuẩn cho phép của cuộn dây, chứng tỏ cuộn dây bị chập. 
- Kiểm tra cuộn dây bị chạm mát, trước hết tách đầu dây nối mát của cuộn dây. Dùng đồng hồ vạn năng hoặc ôm kế kiểm tra. Đầu dương đồng hồ ôm kế tiếp vào đầu cuộn dây, đầu âm đồng hồ tiếp ra vỏ. Nếu kim đồng hồ không báo là tốt (chứng tỏ cuộn dây không bị chạm mát). Nếu kim đồng hồ báo chứng tỏ cuộn dây bị chạm mát.
b) Sửa chữa
- Cuộn dây bị đứt không thể nối lại được, cuộn dây bị chập thì thay mới.
- Cuộn dây bị chạm mát dùng xăng rửa sạch, sấy khô, sau đó dùng đồng hồ ôm kế đo kiểm tra lại. Nếu cuộn dây vẫn bị chạm mát thì thay mới.
3. Màng bơm 
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng chính của màng bơm bị chùng, làm thay đổi không gian trong buồng bơm lưu lượng xăng đẩy lên bộ chế hòa khí giảm.
Kiểm tra:     
- Màng bơm rách, thủng, chùng bằng phương pháp quan sát.
b) Sửa chữa:
Màng bơm bị rách, thủng, chùng đều phải thay màng bơm mới đúng loại chịu được xăng. 
4. Thân, nắp bơm 
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng của nắp bơm, thân bơm: nắp bơm, thân bơm bị hở, nứt, vỡ, làm lọt không khí vào trong buồng bơm, không tạo được độ chân không để hút xăng, lưu lượng bơm giảm.
- Kiểm tra: Quan sát các vết nứt, vỡ của nắp và vỏ. Kiểm tra mặt phẳng lắp ghép giữa nắp và vỏ bơm trên bàn rà nguội bằng bột màu.
b) Sửa chữa phải tiến hành mài lại nếu bề mặt có những chỗ lõm sâu quá 0,05 mm. Sau khi sữa chữa xong lắp lại bơm phải thay màng bơm mới.
- Thân bơm, nắp bơm bị hở lớn không sửa chữa được thì thay mới. Các lỗ ren chờn hỏng ta rô lại ren mới, thay vít mới. Nếu chờn hỏng nhiều phải thay.
5. Lò xo
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng chính của lò xo là giảm độ đàn hồi, gãy.
- kiểm tra lò xo bằng phương pháp đo chiều dài tự do của lò xo màng bơm trên thiết bị chuyên dùng rồi so sánh với tiêu chuẩn kỹ thuật. 
b) Sửa chữa
- Chiều dài tự do lò xo giảm quá 2 mm thay lò xo mới đúng loại.
- Lò xo giảm tính đàn hồi, gãy, thay mới đúng loại.
6. Các van của bơm
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng chính của các van hút và xả là bị hở, làm lưu lượng bơm giảm. 
- Kiểm tra độ kín của van trên thiết bị chuyên dùng kiểm tra bơm xăng và bộ chế hòa khí.
b) Sửa chữa: Các van mòn hở thay mới đúng loại, lò xo van gãy, yếu thay mới.
7. Kiểm tra áp suất bơm xăng 
Bơm xăng sau khi kiểm tra, sửa chữa, lắp lại hoàn chỉnh kiểm tra phải đạt tiêu chuẩn của nhà chế tạo quy định lưu lượng bơm, áp suất hút lớn nhất, áp suất đẩy lớn nhất, độ kín van hút, van xả.
 C. QUY TRÌNH LẮP
Các chi tiết của bơm sau khi đã sửa chữa, thay thế tiến hành lắp lại theo thứ tự (Ngược với quy trình tháo)

No comments:

Powered by Blogger.