Hiện tượng và nguyên nhân và sửa chữa bộ điều tốc động cơ
A. HIỆN TƯỢNG VÀ NGUYÊN NHÂN HƯ HỎNG CỦA BỘ ĐIỀU TỐC
Bộ điều tốc chân không |
Sự làm việc chính xác của bộ điều tốc phụ thuộc vào thông số kết cấu của nó và được đánh giá bằng một số chỉ tiêu trong đó có độ không đồng đều và độ không nhạy. Độ không đồng đều thể hiện sự sai lệch về điều chỉnh tốc độ định mức của bộ điều tốc. Khi động cơ chạy ở số vòng quay cao nhất với tải trọng toàn bộ tức là thanh răng bơm cao áp để ở vị trí cung cấp nhiên liệu nhiều nhất và khi động cơ chạy ở số vòng quay cao nhất ở chế độ tải trọng nhỏ nhất (thanh răng bơm cao áp để ở vị trí cung cấp nhiên liệu ít nhất). Sự sai lệch về tốc độ điều chỉnh ở hai chế độ hoạt động này có thể lên tới 3 - 5%.
Độ không nhạy được đánh giá theo biên độ dao động của tốc độ động cơ quanh số vòng quay cần được duy trì mà điều tốc không có phản ứng, hay nói cách khác nó phản ánh khả năng thích ứng kịp thời của điều tốc khi động cơ bị giao động (tăng hoặc giảm) vòng quay. Nếu chỉ với thay đổi khá nhỏ của tốc độ động cơ mà điều tốc đã kịp thời điều chỉnh tốc độ có nghĩa là độ không nhạy của điều tốc rất nhỏ và ngược lại. Độ không nhạy phụ thuộc vào ma sát chung và khe hở liên kết của hệ thống dẫn động, từ quả văng tới khớp trượt đến cơ cấu đòn bẩy và thanh răng bơm cao áp.
a) Hiện tượng khi động cơ làm việc độ không đồng đều của bộ điều tốc tăng, độ không nhạy tăng
b) Nguyên nhân
- Do mòn các khâu khớp dẫn động.
- Do sự tăng ma sát tại các khớp vì thiếu dầu cũng như thừa quá nhiều dầu bôi trơn.
- Đôi khi do va quệt giữa quả văng với vỏ bộ điều tốc gây nên
- Lò xo điều tốc bị mất đàn hồi hoặc do điều chỉnh sai làm số vòng quay điều chỉnh quá sớm (khi lực lò xo bị yếu) hoặc quá muộn khi lực lò xo được điều chỉnh quá căng.
- Với loại điều tốc chân không khi màng chân không bị rách, thủng hoặc đường ống dẫn khí từ ống nạp tới buồng chân không không kín, sẽ làm tốc độ điều chỉnh tăng cao lên.
- Một số sự cố như kẹt pít tông xy lanh bơm cao áp, kẹt thanh răng cũng làm tăng ma sát của hệ thống, khiến bộ điều tốc không thể làm việc chính xác, vì vậy cần phải kiểm tra sự hoạt động linh hoạt của bơm cao áp là rất cần thiết.
B. THÁO, LẮP BỘ ĐIỀU TỐC
1. Tháo bộ điều tốc từ động cơ- Làm sạch bên ngoài bộ điều tốc.
- Tháo các đường ống dẫn dầu đến bơm cao áp
- Chọn đúng cỡ cờ lê dẹt để tháo các đường ống dẫn.
- Tháo cần dẫn động liên quan với cần ga.
- Chọn đúng dụng cụ tháo.
Tháo các bu lông bắt chặt bơm cao áp với thân máy, tháo bơm cao áp và bộ điều tốc ra khỏi động cơ.
Chú ý giữ chắc chắn bơm cao áp và bộ điều tốc không để rơi bơm gây tai nạn.
2. Tháo rời bộ điều tốc
- Rửa sạch bên ngoài bơm cao áp và bộ điều tốc.
- Tháo rời các chi tiết của bộ điều tốc (theo đúng quy trình).
. Dùng bàn tháo lắp, khay đựng chi tiết và dầu diesel sạch để rửa các chi tiết.
. sắp xếp các chi tiết đúng quy định.
- Kiểm tra hư hỏng và sửa chữa các chi tiết của bộ điều tốc.
3. Quy trình lắp
- Lắp các chi tiết của của bộ điều tốc theo thứ tự ngược lại.
- Kiểm tra cần ga dịch chuyển nhẹ nhàng
- Lắp bơm cao áp và bộ điều tốc lên động cơ (ngược với quy trình tháo)
C. KIỂM TRA BỘ ĐIỀU TỐC
1. Kiểm tra, điều chỉnh hoạt động của bộ điều tốca) Khi kiểm tra bộ điều tốc hai chế độ để thanh răng ở vị trí cung cấp nhiên liệu nhiều nhất, với bộ điều tốc nhiều chế độ thay đổi sức căng ban đầu của lò xo phải kéo cần điều khiển lên cao nhất chạm vào vít hạn chế tốc độ tối đa.
b) Tăng dần tốc độ quay của trục bơm cao áp (chú ý quan sát trên cửa bên của bơm) cho đến khi thanh răng bắt đầu bị điều tốc kéo về. Số vòng quay của bơm lúc này chính là số vòng quay bắt đầu tác động của bộ điều tốc
c) Tiếp tục tăng số vòng quay đến khi thanh răng bị kéo về hoàn toàn, đó chính là số vòng quay điều tốc cắt hoàn toàn nhiên liệu. Số vòng quay điều tốc bắt đầu tác động vào thanh răng để cắt nhiên liệu phải bằng 1/2 số vòng quay định mức của động cơ (động cơ diesel 4 kỳ).
Điều chỉnh bộ điều tốc: Với bộ điều tốc một hoặc hai chế độ, khi số vòng quay này nhỏ hơn, phải vặn vít điều chỉnh sức căng lò xo đi vào, khi số vòng quay lớn hơn thì nới vít điều chỉnh ra. Nếu là bộ điều tốc nhiều chế độ, chỉ cần vặn nới vít hạn chế cần điều khiển ra khi số vòng quay nhỏ hơn định mức. Nếu số vòng quay lớn hơn định mức thì vặn vít hạn chế đi vào.
D. SỬA CHỮA BỘ ĐIỀU TỐC
1. Sửa chữa thân, nắp bộ điều tốc
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng thân, nắp bị nứt, vỡ chờn hỏng lỗ ren.
- Kiểm tra quan sát bằng mắt hoặc dùng kính lúp quan sát vết nứt, chờn hỏng lỗ ren.
b) Sửa chữa
- Thân và nắp nứt, vỡ hàn đắp, sau đó sửa nguội. Các lỗ ren bị chờn, hỏng ren thì tiến hành ta rô lại ren có kích thước lớn hơn, thay vít mới.
2. Sửa chữa các khâu khớp dẫn động
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng các khâu khớp dẫn động bị mòn rộng.
- Kiểm tra dùng pan me đo, kiểm tra độ mòn của khâu khớp dẫn động.
b) Sửa chữa
- Các khâu khớp dẫn động bị mòn hàn đắp, sửa nguội đảm bảo đúng kích thước hoặc thay khâu khớp mới đúng loại.
3. Sửa chữa lò xo và vít hãm
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng lò xo bộ điều tốc bị giảm tính đàn hồi, vít hãm bị chờn hỏng ren
- Kiểm tra lò xo bị giảm tính đàn hồi dùng thiết bị chuyên dùng đo chiều dài tự do của lò xo rồi so sánh với chiều dài tiêu chuẩn. Nếu chiều dài tự do giảm nhỏ hơn 2 mm phải sửa chữa. Vít hãm chờn ren kiểm tra bằng phương pháp quan sát bằng mắt.
b) Sửa chữa
- Vít hãm chờn hỏng ren thay mới đúng loại.
- Lò xo bộ điều tốc yếu, giảm độ đàn hồi thêm đệm hoặc thay lò xo mới đúng loại.
4. Sửa chữa bộ điều tốc chân không
a) Hư hỏng và kiểm tra
- Hư hỏng màng chân không bị thủng, đường ống dẫn từ ống nạp tới buồng chân không bị hở.
- Kiểm tra quan sát bằng mắt hoặc dùng thiết bị kiểm tra độ chân không, lắp và thử độ chân không ở trong buồng chân không của bộ điều tốc.
b) Sửa chữa
- Màng chân không bị thủng, phải thay màng mới đúng loại.
- Đường ống dẫn bị hở thay ống dẫn mới đảm bảo độ kín.
No comments: